0
Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng

Thiết kế nội thất hiểu nôm na là quá trình định hình các khu vực chức năng bên trong ngôi nhà của bạn. Bằng cách khéo léo ứng dụng những nguyên tắc thiết kế nội thất căn bản khi xử lý không gian sẽ mang đến sự thoải mái và nâng cao trải nghiệm sống cho gia chủ.

Đúng như tên gọi, thiết kế nội thất đề cập đến một loạt quy trình nhằm định hình không gian bên trong một công trình bằng cách điều chỉnh những yếu tố của công trình đó. Khác với trang trí nội thất, thiết kế nội thất tính đến cả những yếu tố về cấu trúc, thiết kế và bài trí. Ngoài việc phân khu chức năng trong nhà, bố trí các phương tiện sinh hoạt, người thiết kế phải đảm bảo không gian nội thất có sự hài hòa về ánh sáng, màu sắc, thẩm mỹ kiến trúc và vật dụng trang trí, từ đó tạo ra môi trường sống thuận tiện, thoải mái và thậm chí là mang lại niềm tự hào cho những người sống ở đó. Để ngôi nhà trở thành không gian sống lý tưởng, hài hòa và tiện nghi thì có những nguyên tắc thiết kế nội thất mà cả người thiết kế và chủ nhà cần cân nhắc.

Nguyên tắc cân bằng

Cân bằng trong không gian đề cập đến cân bằng về mặt thị giác. Cụm từ cân bằng được định nghĩa là sự phân phối trọng lượng đồng đều cho phép người hay vật thể duy trì trạng thái ổn định, vững chãi. Trong thiết kế nội thất, đó là sự đối xứng, cân đối các yếu tố cấu tạo không gian, từ cân bằng trong chiều cao, chiều rộng không gian, bài trí đồ đạc, cấu tạo không gian nội thất… để tạo sự cân bằng thị giác. Quy luật cân bằng được thể hiện ở tất cả các yếu tố sắp xếp trong một bố cục.

Sự cân bằng trong thiết kế nội thất chia thành ba loại chính là: đối xứng, bất đối xứng và đối tâm. Để hiểu rõ đặc điểm của từng loại cân bằng, hãy cùng xem xét bức ảnh dưới đây:

 Hình minh họa trên đây thể hiện các hình thức cân bằng trong không gian.

Cân bằng đối xứng thường được tìm thấy trong không gian nội thất truyền thống, hình thành khi một bên của một thiết kế phản chiếu ở phía bên kia qua điểm trung tâm. Nếu thấy một nửa không gian nội thất thì bạn có thể thấy nửa kia ở một cách tương tự để đạt sự cân bằng. Vị trí đánh dấu 1.1 cho thấy ví dụ của ứng dụng quy luật cân bằng đối xứng khi thiết kế nội thất. Ở đây, những chiếc ghế được phân bổ đều ở hai bên bàn ăn. Áp dụng cân bằng đối xứng nếu yêu thích không gian có trật tự, dễ phỏng đoán.

Cân bằng bất đối xứng được người thiết kế áp dụng trong không gian nội thất nhằm phục vụ cho những ý đồ nhất định. Kỹ thuật ở đây là sử dụng đối tượng không giống nhau có trọng lượng, hình ảnh tương đương. Cân bằng đối xứng mang đến sự cuốn hút thú vị và đa dạng cho không gian nội thất. Tại vị trí 1.2, những bức tranh nhỏ hơn được bố trí cân bằng bất đối xứng ở hai bên bức tranh lớn. Dù các bức tranh không phản chiếu lẫn nhau nhưng vẫn có sự cân bằng vì kích cỡ và vị trí chiếm chỗ trong không gian tương đồng nhau.

Cân bằng đối tâm là khi tất cả các yếu tố của một thiết kế được “dàn trận” xung quanh điểm trung tâm. Ví dụ hoàn hảo của cân bằng đối tâm là cầu thang xoắn ốc. Trên thực tế, cân bằng đối tâm ít xuất hiện trong thiết kế nội thất nhưng nó có thể cung cấp một đối trọng thú vị nếu được ứng dụng hợp lý. Vị trí 1.3 cho thấy cân bằng đối tâm thể hiện ở chiếc đèn chùm phía trên bàn ăn với các bóng đèn hình cầu treo đều xung quanh tâm điểm của đèn.

Nguyên tắc nhấn mạnh và tập trung

Nhấn mạnh là tạo ra hiệu ứng thị giác đủ để thu hút và giữ tập trung cho không gian nội thất. Đó là dấu ấn, yếu tố đột phá đánh dấu sự thay đổi mãnh liệt trong một không gian như một chi tiết có ấn tượng thẩm mỹ. Sự nhấn mạnh được tạo ra bằng cách sắp đặt các yếu tốt một cách hợp lý hay đặt chúng ở vị trí đáng được chú ý thông qua sự tương phản về màu sắc, tỷ lệ, hình dạng.

Ví dụ điểm nhấn có thể là khung cửa sổ rộng mở trong phòng khách, một mảng tường nghệ thuật hay một nhóm các món đồ nội thất...

Gam màu xanh bắt mắt là cách mà nhà thiết kế sử dụng để nhấn mạnh cho bức tranh.

Không khó để nhận ra chi tiết nổi bật nhất trong phòng ngủ trên đây. Màu sắc, một yếu tố quan trọng của thiết kế nội thất, được sử dụng để mang lại cho bức tranh vị trí quan trọng đặc biệt thông qua sự tương phản với tổng thể căn phòng. (Tương phản là cũng một nguyên tắc thiết kế nội thất kinh điển sẽ được trình bày ngay dưới đây).

Ngoài màu sắc, bạn có thể sử dụng các yếu tố khác để tạo điểm nhấn. Ánh sáng là một yếu tố mạnh mẽ, dễ áp dụng cho mọi không gian. Chỉ cần một chiếc đèn chiếu điểm đã đủ hướng ánh nhìn hướng về một đối tượng cụ thể. Các đường nét có thể được sử dụng để điều hướng sự chú ý về phía cần nhấn mạnh. Để lại không gian âm xung quanh một vật thể hay một khu vực chắc chắn sẽ làm tăng tầm quan trọng cho nó. Trên đây chỉ là một vài ví dụ kinh điển về cách áp dụng nguyên tắc nhấn mạnh và tập trung. Khi thiết kế một không gian cụ thể, hãy để trí tưởng tượng được phát huy và biến đổi linh hoạt cho phù hợp.

Nguyên tắc tương phản

Ứng dụng tính tương phản trong thiết kế nội thất mang tới nét thu hút và kịch tính cho không gian. Việc đặt các yếu tố tương phản (có sự khác biệt đáng kể) cạnh nhau phần nào tạo ra điểm nhấn cho cả hai đối tượng hay hai khu vực. Tuy nhiên, việc lạm dụng tương phản quá mức sẽ giảm bớt giá trị của không gian, do vậy, cần cân nhắc và chọn lọc từng chi tiết thật kỹ lưỡng.

Trong bức ảnh ở phần 2, bức tranh bão hòa phía trên giường có màu sắc tương phản với phần còn lại của bảng màu phòng. Mặc dù màu sắc có lẽ là yếu tố thể hiện rõ nét nhất độ tương phản, nhưng điều này còn có thể đạt được thông qua những yếu tố khác như chất liệu, hình khối, kết cấu...

Nguyên tắc nhịp điệu và lặp lại

Nhịp điệu trong thiết kế nội thất quan tâm tới điều hướng và dịch chuyển tầm nhìn thông qua các yếu tố sắp xếp theo bố cục lặp. Quy luật nhịp điệu tạo ra dòng chảy êm đềm, liên tục của tầm nhìn trong căn phòng, giống như đường dẫn cho phép người nhìn ngắm nắm bắt được các thành phần quan trọng của ý đồ thiết kế. Nói cách khác, nhịp điệu là một mẫu thức của nghệ thuật.

Chúng ta có thể tạo nên nhịp điệu bằng 3 cách: sự lặp lại, dùng chuỗi và dùng sự liên tục. Một nhà thiết kế nội thất tài ba có thể sử dụng đủ 3 hình thức của nhịp điệu trong một bố cục, từ đó sáng tạo nên không gian nội thất tuyệt đẹp.

Hãy cùng phân tích hình ảnh dưới đây:

 Chất liệu đồng thau hiện diện xuyên suốt không gian dẫn dắt ánh mắt từ khu vực này sáng khu vực khác.

Người thiết kế đã sử dụng chất liệu đồng thau lặp đi lặp lại trong phòng bếp, phòng khách và phòng ăn. Trong phòng bếp, chất liệu đồng thau hiện diện ở các chi tiết trang trí trên cánh tủ và đèn thả trần. Trong phòng khách, nó được sử dụng cho bàn cà phê. Một lần nữa, chất liệu này được lặp lại ở đèn thả trần trong phòng ăn.

Đôi khi, các yếu tố lặp đi lặp lại thể hiện vô cùng tinh tế và khó có thể nhận biết. Trong các trường hợp khác, nguyên tắc nhịp điệu thể hiện rõ ràng hơn như màu sắc và hoa văn lặp đi lặp lại. Dù thể hiện theo cách nào đi chăng nữa, nguyên tắc nhịp điệu và lặp lại đều mang lại cảm giác thống nhất cho toàn bộ không gian.

Nguyên tắc cân xứng và tỷ lệ

Quy luật cân xứng là mối quan hệ giữa kích thước, hình dạng để đạt được sự cân bằng và đồng nhất trong thiết kế nội thất. Cân xứng ở đây là về kích thước, số lượng, quy mô... Tỷ lệ phản ánh kích cỡ các thành phần (chiều rộng, chiều cao, chiều sâu) trong quan hệ với tổng thể không gian xung quanh.

 Nội thất trong căn phòng có một mạch liên tục, không có gì vượt quá tỷ lệ chung.

Nguyên tắc chi tiết

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu 5 quy luật kinh điển trong thiết kế nội thất: cân bằng, nhấn mạnh, tương phản, nhịp điệu và tỷ lệ. Những quy luật này thiên về bức tranh tổng thể của cả không gian. Bây giờ, đã đến lúc đi cận cảnh và xem xét kỹ lưỡng về những thứ nhỏ nhặt hơn – các chi tiết.

Các chi tiết bao gồm đồ trang trí hay phụ kiện như viền trên rèm cửa, trên gối, khung tranh, các góc và đường phào tường, tay nắm tủ, dây bóng đèn, công tắc bóng đèn… Do kích thước quá nhỏ nên các chi tiết thường bị bỏ qua hoặc ít được coi trọng. Tuy nhiên, một không gian nội thất tuyệt vời nên có sự nhất quán từ tổng thể cho tới những chi tiết nhỏ nhất.

 Những chi tiết nhỏ như lọ hoa, chân nến... đều nhất quán với lối thiết kế chung của cả không gian.

Nguyên tắc hài hòa và thống nhất

Hài hòa theo định nghĩa là sự sắp xếp các thành phần nhất quán với nhau, có trật tự, mang lại cảm giác dễ chịu. Còn thống nhất được định nghĩa là sự đồng nhất của tâm trí, cảm giác, hòa hợp, hài hòa hoặc sự đồng thuận. Sự hài hòa và thống nhất đạt được khi tất cả các yếu tố trong một không gian kết hợp và bổ sung lẫn nhau. Theo nguyên tắc hài hòa và thống nhất, nhìn từ góc độ tổng thể, mỗi phần tử đều đóng vai trò nhất định trong việc đáp ứng công năng của không gian. Điều đó cũng liên quan tới việc tạo ra sự chuyển tiếp nhịp nhàng giữa các yếu tố.

Những nguyên tắc thiết kế nội thất căn bản được coi là kim chỉ nam cho thiết kế nội thất, góp phần tạo nên một không gian thống nhất và hài hòa. Tất nhiên, mọi nguyên tắc đều có thể bị phá vỡ, do vậy, hãy linh hoạt thay vì quá cứng nhắc khi ứng dụng những nguyên tắc này.

 

>> Biệt thự ở Cần Thơ được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh
>> Tất tần tật những điều cần biết về kính cường lực trong thiết kế nhà ở

- Theo thanhnienviet.vn -